top of page

Những việc cần làm trước khi đến Pháp (phần 1)

Tìm kiếm học bổng và đăng ký học

1. Tổng quan về các học bổng du học Pháp

 

Học bổng là một trong những nguồn tài chính quan trọng giúp các sinh viên có thể trang trải những chi phí ăn ở, học tập cần thiết. Phần lớn các loại học bổng dành cho các chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ.

 

  • Các chương trình học bổng của chính phủ Pháp

 

Học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp (Bourse d'excellence)

 

Hàng năm, ĐSQ dành một số học bổng cho sinh viên du học ở bậc Thạc sỹ và Tiến sỹ trong các lĩnh vực: khoa học chính xác, khoa học kỹ sư, kinh tế và quản lý cũng như luật và khoa học chính trị. Mời dự tuyển từ tháng 10 và công bố kết quả vào tháng 3 năm sau. Chi tiết truy cập www.ambafrance-vn.org

 

Học bổng EIFFEL

 

Học bổng của Chính phủ Pháp dành để tài trợ một khóa học ở trình độ Thạc sỹ hoặc Nghiên cứu sinh trong thời gian 10 tháng trong khuôn khổ đồng hướng dẫn một đề án tiến sỹ trong các lĩnh vực: khoa học, kinh tế - quản lý, khoa học chính trị. Chi tiết có tại: www. campusfrance.org/fr/eiffel

 

  • Học bổng dành cho đào tạo ngành y dược

 

Ở Việt Nam, các bác sỹ hay dược sỹ có bằng để hành nghề và hiện đang theo chương trình đào tạo y hoặc dược chuyên sâu có thể đăng ký học bằng DFMS và các bác sỹ, dược sỹ quốc tịch Việt Nam có bằng chuyên khoa y dược để hành nghề ở trong nước có thể đăng ký học DFMSA khi đạt ở vòng tuyển chọn của y khoa Strasbourg. Chi tiết liên hệ bộ phận y tế, ĐSQ Pháp tại Việt Nam.

 

  • Học bổng của Bộ giáo dục Pháp

 

Sinh viên nước ngoài có thể nhận được hỗ trợ tài chính của Bộ Giáo dục Pháp. Một số loại học bổng được biết tới là học bổng trợ cấp nghiên cứu, học bổng dựa trên các tiêu chí xã hội.

 

  • Học bổng CIFRE (Convention Industrielle de Formation par la Recherche)

 

Các sinh viên có bằng Master hoặc Kỹ sư (Diplôme d'école d'ingénieur) có thể thực hiện luận án Tiến sỹ tại một doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp với một cơ sở giáo dục đào tạo ngoài doanh nghiệp theo học bổng CIFRE. Đề tài nghiên cứu phải liên quan đến chương trình nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp

 

  • Học bổng trong khuôn khổ các chương trình hợp tác giữa các cơ sở đào tạo tại các quốc gia châu Âu

 

Học bổng ERASMUS MUNDUS: sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ theo học các chương trình đào tạo chất lượng cao tại ít nhất 2 trong số tối thiểu 3 trường đại học có ký thỏa thuận hợp tác với nhau tại châu Âu.

 

  • Học bổng của một số tổ chức quốc tế phi chính phủ, các hiệp hội

 

Một số tổ chức phi chính phủ dành học bổng cấp cho sinh viên nước ngoài. Tham khảo trang web http://www.andes.asso.fr mục "Guide des financements" để xem hướng dẫn xin học bổng.

 

  • Học bổng Bộ giáo dục Việt Nam

 

Chương trình Học bổng của Bộ Giáo dục bắt đầu từ năm 2012 (chương trình 911) nhằm đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao cho các trường Đại học, Cao đẳng.

 

  • Các loại Học bổng khác

 

Ngoài ra sinh viên có thể hưởng các học bổng do các bộ ngành khác thuộc chính phủ Pháp, các trường đại học, cá doanh nghiệp hay các trung tâm, viện nghiên cứu cấp riêng hoặc phối hợp cấp. Tuy nhiên số lượng Học bổng này không nhiều và thông thường dành cho các sinh viên khối ngành tự nhiên với các đề tài có chất lượng và tính ứng dụng cao.

 

2. Kinh nghiệm chung cho việc xin Học bổng và đăng ký học

 

Thông thường quá trình xin Học bổng và đăng ký học gồm các bước chính sau:

 

  • Bước 1: Định hướng nghề nghiệp tương lai

 

Khi đã có bằng Đại học, bạn muốn theo học cao học và theo đuổi ước mơ đi du học. Hãy tự đặt câu hỏi về nghề nghiệp tương lai: "Nên xin Master Recherche hay Master Professionel?"

 

Về lý thuyết, nếu bạn đinh theo nghiệp nghiên cứu - giảng dạy ở trường Đại học hay các viện nghiên cứu thì nên học Master Recherche (Thạc sỹ nghiên cứu) để có cơ hội xin tiếp Học bổng làm luận án tiến sỹ. Chương trình học Master Recherche nặng về lý thuyêt và các nghiên cứu chuyên sâu. Còn nếu bạn muốn đi làm ngay sau khi học xong Thạc sỹ thì nên xin học Master Professionel. Bạn sẽ được học các kiến thức thực tế hơn và thường trải qua các kỳ thực tập bắt buộc để tốt nghiệp. Cơ hội xin việc làm với tấm bằng Master Professionel là cao hơn so với Master Recherche.

 

  • Bước 2: Chọn chương trình đào tạo

 

Trong mỗi ngành học bạn có thể tìm được rất nhiều chương trình đào tạo ở nhiều trường khác nhau. Trước tiên bạn cần xét hai khía cạnh: ngành nghề bạn thích và ngành nghề mà bạn có thể được nhận. Ví dụ: ở VN, bạn có bằng ĐH về kinh tế nhưng bạn lại thích một chương trình đào tạo Thạc sỹ tài chính. Vậy bạn cần tìm chương trình Master nào chấp nhận bằng ĐH về kinh tế của bạn.

 

Sau đó hãy nhìn vào chương trình đào tạo của Master đó: các môn học có hấp dẫn không, có phù hợp với khả năng và sở thích của bạn không?

 

Tiếp theo nên hỏi kinh nghiệm các sinh viên đi trước về truyền thống nhận sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam của chương trình đó.

 

Cuối cùng bạn nên để lại ít nhất 5 lựa chọn để liên hệ xin học. Việc liên hệ xin học trước khi xin học bổng là rất quan trọng vì hầu hết các học bổng đều ưu tiên (thậm chí bắt buộc) các hồ sơ xin học bổng được một trường của Pháp nhận. Đó có thể là Giấy chứng nhận (Attestation d'accueil), đăng ký học tạm thời (Attestation pré-inscription) hay chỉ một ý kiến tán thành hồ sơ của bạn (Avis favorable à votre candidature).

 

  • Bước 3: Liên hệ xin học và đăng ký học  

 

Trên thực tế, việc liên hệ xin học cao học không dễ dàng vì thời điểm các trường nhận hồ sơ xin học thường lệch nhiều so với thời điểm nộp hồ sơ xin học bổng. Các loại học bổng thường có thời gian nộp hồ sơ từ khoảng tháng 9 hàng năm và công bố vào năm sau. Trong khi thời gian nhận hồ sơ của các trường từ tháng 5 đến đầu tháng 9.

 

Như vậy bạn cần bắt đầu xin học trước khi gửi hồ sơ xin học bổng và nên tiến hành 1 năm trước thời điểm khai giảng khóa học. Ví dụ để xin học bổng cho một khóa học Thạc sỹ bắt đầu vào tháng 9/2016 tốt nhất bạn nên bắt đầu liên hệ xin học từ tháng 5/2015 để có giấy tờ đăng ký nhập học để bổ sung vào các hồ sơ xin học bổng bắt đầu từ tháng 11/2015. Kết quả học bổng được công bố trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 7/2016. Đó là học bổng cho năm học 2016-2017 của bạn.

 

Hồ sơ đăng ký học thường có trên trang web của trường hoặc của Master liên quan. Mỗi Master có một mẫu đăng ký xin học riêng mà bạn cần điền và gửi kèm các giấy tờ khác. Bạn cũng được yêu cầu trình bày ngắn gọn đề tài nghiên cứu, dự định nghề nghiệp của bạn; có Master yêu cầu viết thêm tiểu luận theo đề tài cho trước, hoặc yêu cầu phỏng vấn qua điện thoại, video conference hay trực tiếp. Cũng cần lưu ý thêm rằng phần lớn các trường yêu cầu gửi hồ sơ giấy qua đường bưu điện.

 

  • Bước 4: Chuẩn bị hồ sơ xin học bổng

 

Bạn hoàn toàn không nên chờ thời điểm bắt đầu lấy được hồ sơ để điền (Appel à candidature) mà nên chuẩn bị từ trước để có thời gian chuẩn bị một hồ sơ hấp dẫn và hoàn chỉnh. Có rất nhiều việc bạn có thể chuẩn bị trước khi có hồ sơ để điền vì đó là những việc hầu như chắc chắn cần phải làm. Khi bạn chuẩn bị kỹ càng những vấn đề này từ trước, bạn sẽ không bị gấp gáp khi chuẩn bị bộ hồ sơ xin học bổng.

 

Chuẩn bị về nội dung

 

Trước hết bạn cần chuẩn bị bài luận về đề tài nghiên cứu (đối với Master Recherche) hoặc dự định nghề nghiệp (đối với Master Professionel). Bài luận này có thể dài 1 vài trang, tùy theo từng loại học bổng. Ngoài ra bạn nên nghiên cứu mẫu hồ sơ của năm trước để chuẩn bị điền hồ sơ năm nay. Kinh nghiệm cho thấy mẫu hồ sơ xin học bổng không có quá nhiều thay đổi qua các năm bởi các nội dung cần điền thường có tính chất tiêu biểu.

 

Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết

 

Mỗi loại học bổng có những quy định khác nhau về giấy tờ cần nộp trong hồ sơ. Những loại giấy tờ sau đây thường được yêu cầu :

  • Mẫu hồ sơ xin học bổng, được điền đầy đủ và ký tên

  • CV mới nhất

  • Thư trình bày động cơ và mong muốn học tập tại Pháp (lettre de motivation)

  • Giấy khai sinh (bản dịch tiếng Pháp có công chứng)

  • Bằng tốt nghiệp Đại học (dịch và photo có công chứng), hoặc bảng điểm 2 năm học cuối nếu chưa có bằng tốt nghiệp tại thời điểm hộp hồ sơ (dịch và photo có công chứng)

  • Bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học (dịch và photo có công chứng)

  • Tóm tắt đề tài nghiên cứu hay dự định nghề nghiệp

  • Giấy chứng nhận đồng hướng dẫn Luận án tiến sỹ (đối với học bổng làm tiến sỹ)

 

Ngoài các giấy tờ bắt buộc, trong hồ sơ cũng nên có các giấy tờ để cung cấp thêm thông tin và tăng giá trị cho hồ sơ:

 

  • Giấy chứng nhận đăng ký học hoặc được nhận học, thư từ trao đổi với trường muốn theo học

  • Các chứng chỉ trình độ ngoại ngữ: Tiếng Pháp: TCF, DELF,..., tiếng Anh: TOEFL, TOEIC, IELTS...

  • Bằng khen, giấy chứng nhận, các giải thưởng trong quá trình học tập và hoạt động ngoại khóa (dịch và photo có công chứng)

  • Thư giới thiệu (lettre de recommandation) về khả năng học tập do giáo viên ký hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp do lãnh đạo cơ quan ký.

 

Điền mẫu hồ sơ xin học bổng

 

Khi điền hồ sơ xin học bổng, bạn hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm các sinh viên đã trúng học bổng các năm trước. Bạn không nên sao chép hồ sơ của những người đi trước vì hồ sơ của bạn trở nên kém hấp dẫn, đôi khi bị loại ngay từ vòng đầu. Cơ quan quản lý học bổng sẽ dễ dàng phát hiện ra việc sao chép vì các hồ sơ thường được lưu giữ cẩn thận.

 

Trích "Sổ tay Du học Pháp UEVF 2013"

 

© 2023 by ΩΛΜ. Proudly created with Wix.com

bottom of page